Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

Là một trong 35 xã và thị trấn thuộc huyện Tiền Hải nhưng khác với một số làng xã mới được thành lập gắn liền với cuộc khẩn hoang của nhà doanh điền Nguyễn Công Trứ đầu thế kỷ XIX; mảnh đất Vân Trường được hình thành khá sớm, trở thành nơi cư trú của lớp cư dân đầu tiên từ hơn 500 năm trước. Trong khoảng thời gian ấy, các thế hệ người Vân Trường đã kế tiếp nhau khai hoang, lấn biển, đào sông, khơi ngòi, thau chua rửa mặn, biến vùng bãi biển hoang vu thành cánh đồng cấy lúa và trồng mầu ngày càng tươi tốt.

Ngay từ sau khi đánh đuổi quân xâm lược Minh, thời kỳ đầu các vua Lê ra sức củng cố đất nước, thực hiện “khoan thư sức dân”. Thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497), đất nước ngày càng thịnh trị, kinh tế - xã hội phát triển khá rực rỡ. Lúc này, nhà Lê thực hiện có hiệu quả chính sách khai hoang nhằm đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân, đồng thời góp phần mở mang bờ cõi. Công cuộc khai hoang vừa được tiến hành trên quy mô rộng lớn, vừa được chỉ đạo cụ thể trong việc lập làng xã mới. Bởi thế, thời Lê Hồng Đức, hàng trăm làng, ấp được ra đời. Trung tâm của công cuộc khai hoang dưới thời Lê là các vùng ven biển miền Bắc. Từ cửa sông Bạch Đằng đến vùng Yên Mô - Tam Điệp (Ninh Bình). Khu vực bãi bồi ven biển thuộc huyện Chân Định rộng mênh mông, lau lác, sú vẹt um tùm, thuộc lưu vực sông Hồng, sông Trà và sông Lân; đất đai màu mỡ. Vào cuối thời Trần, đầu thời Lê, cửa biển còn ở Kỳ Bố Hải Khẩu (Thành phố Thái Bình ngày nay) thì ở bãi Chân Định đã hình thành những cồn cát rộng có độ cao xấp xỉ 1 mét so với mặt nước biển, trên mặt Cồn có nhiều vỏ sò tích lại, dân vùng này gọi là Bạch Sa.

Như vậy, từ kết quả của công cuộc khai hoang, Vân Trường là một trong những làng xã được hình thành từ rất sớm, có vị trí địa lý thuận lợi và điều kiện tự nhiên khá phong phú. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, về mặt hành chính vùng đất này đã có không ít thay đổi. Vân Trường hiện nay được hình thành từ ba thôn: Quân Bác, Bác Trạch, Quân Cao, nguyên là những đơn vị hành chính riêng biệt. Xưa kia, đây là làng, sau chuyển thành xã và là 3/12 xã thuộc tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương, huyện Chân Định thời Lê[1], tỉnh Nam Định thời Nguyễn, đến năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dưới nền dân chủ cộng hòa, ba xã Quân Bác, Bác Trạch và Quân Cao sáp nhập lại thành xã Vân Trường. Xã Vân Trường lúc đầu có tên là Văn Trường (là tên của luật sư Phan Văn Trường - Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam. Ông quê xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vân Trường còn có ý nghĩa sâu xa nữa là một xã cổ, ra đời từ rất sớm và có bản sắc văn hóa lâu đời[2]. Từ năm 1948 đến năm 1956, Vân Trường tiếp nhận thôn Phương Trạch. Cũng ngay sau đó (1956) thôn Phương Trạch được tách ra cùng với thôn Công Bồi thành lập xã Phương Công. Như vậy, từ năm 1956 xã Vân Trường còn lại ba thôn: Quân Bác, Bác Trạch và Quan Cao. Ngày 01-10-1969, Thái Bình từ 13 huyện, thị sáp nhập lại còn 8 huyện thị. Xã Vân Trường (và các xã Vũ Lăng, An Ninh, Phương Công, Bắc Hải) được tách từ huyện Kiến Xương chuyển về huyện Tiền Hải theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình. Năm 1976, Vân Trường cắt bốn xóm khu vực Nam Trại thuộc thôn Bác Trạch về xã Bắc Hải. Như vậy, từ năm 1976 đến nay khu vực hành chính của xã Vân Trường gồm ba thôn: Quân Bác, Bác Trạch và Quan Cao.

Ngày nay, Vân Trường là một trọng 35 xã, thị trấn thuộc huyện Tiền Hải, nằm ở phía tây huyện: phía bắc giáp xã An Ninh; phía tây giáp các xã Quang Trung, An Bồi (huyện Kiến Xương); phía đông giáp xã Phương Công; phía nam giáp các xã Tây Phong, Bắc Hải. Nằm trong vùng duyên hải, địa hình Vân Trường tương đối bằng, có độ cao từ 0,35 đến 1 mét so với mặt biển. Tổng diện tích toàn xã là 648 ha, trong đó có 430 ha đất canh tác, dân số đến 01/4/2019 có 9155 khẩu[3].

Chảy qua Vân Trường là hai con sông: sông Lân và Kiên Giang ngày đêm vận chuyển phù sa, trong đó phía tây nam xã là dòng Kiên Giang, bắt nguồn từ nam Thái Bình chảy ra biển, trải dài hai bên sông là những cánh đồng màu mỡ và các làng mạc thôn Bác Trạch, Quan Cao, Quan Bác. Xã có trục đường ĐH 37 liên xã từ Thị trấn Tiền Hải qua An Ninh, Phương Công nối với đường 221 đi Bắc Hải và vùng nam Tiền Hải, nam Kiến Xương, tạo thuận lợi trong việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Cũng như nhiều làng xã vùng đồng bằng duyên hải Thái Bình, sự hình thành mảnh đất Vân Trường gắn liền với sự hình thành Bạch Sa – Cồn Trắng.

Theo những kết quả nghiên cứu về công cuộc khẩn hoang ở Kiến Xương, Tiền Hải dưới thời Lê thì sự hình thành các làng xã ở Vân Trường gắn liền với công lao của đức thủy tổ Nguyễn Công Áng. Theo các nguồn tư liệu về cụ tổ Nguyễn Công Áng như: các sắc phong của các đời vua, chúa phong kiến, các câu đối ở nơi thờ cụ và những câu chuyện còn truyền tụng trong ký ức nhân dân hai xã Vân Trường, Phương Công và các gia phả viết bằng chữ Hán của một số dòng họ: Nguyễn Duy, Vũ Trần (thôn Quân Bác)… đã cho ta biết về thân thế, sự nghiệp của cụ tổ Nguyễn Công Áng. Cụ Nguyễn Công Áng là người đầu tiên đặt chân đến đất Bạch Sa Cồn Trắng để lập nghiệp. Cụ vốn người thuộc dòng dõi quý tộc nhà Trần, học rộng, có cách nhìn sáng suốt, biết cảm hóa mọi người, lo cho mọi người, cho thế hệ đương thời và thế hệ mai sau. Cụ quê làng Phú Nhi trấn Sơn (nay là xã Viên Sơn, Thị xã Sơn Tây – Hà Nội). Lần theo truyền thuyết và gia phả, Nguyễn Công Áng sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang có những biến cố chính trị giai đoạn cuối nhà Trần và triều Hồ nên cụ đã phải đi lánh nạn ở đây. Do có những tháng ngày ở Bạch Sa Cồn Trắng, Nguyễn Công Áng đã biết được vùng đất này trù phú và nắm chắc được quy luật lên xuống của thủy triều, đây là những cơ sở rất quan trọng để cụ thực hiện ý tưởng quai đê, lấn biển, lập làng[4].

Để có người cùng hợp sức quai đê, lấn biển, lập làng, ấp mới, cụ Nguyễn Công Áng đã phải đi nhiều nơi để chiêu mộ dân cư, người từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ra, người từ Sơn Tây, Hà Nam, Hải Dương… đến cùng hợp sức quai đê, lấn biển, khẩn hoang lập làng.

Công việc đắp đê trị thủy đã cơ bản hoàn thành, cụ tổ Nguyễn Công Áng cùng các vị tiên công của 13 dòng họ tiến hành phân chia thành lập ba làng: Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch. Trong sách “Khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải”, xuất bản năm 1988, trang 38 có đoạn viết: “13 vị tiên công của 13 dòng họ theo Nguyễn Công Áng đến khai hoang lập ra các làng Phương Trạch, Quan Bác, Bác Trạch và đắp đê Mã giám đến nay là 15, 16 đời”. Về sự phân bố vị trí cư trú, nhân dân còn lưu truyền câu “đông phạm, tây trần, trung phương, nguyễn thị”, nghĩa là: họ Phạm ở phía đông (Phương Trạch), họ Trần ở phía tây (Bác Trạch) và họ Nguyễn ở trung phương - ở giữa (Quan Bác). Sau đó thành lập hai làng là Quan Cao[5] và Công Bồi, đồng thời tiến hành phân chia đất đai cho cả làng theo các cánh đồng với các tên gọi cụ thể như: Đông Quan, Tây Quan, Đường Chá, Chỉ Hạ, Hữu Trung, Tả Trung, Quân Lâm, Đông Ngoại, Tây Ngoại, Nhị Đoạn, Thâu Kênh, Lệu, Đồng Binh, Đồng Phương, Đồng Bồi, Đồng Gòi, Hạ Sa… Trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, giặc dã, cánh đồng Thánh Từ với gần 40 mẫu là biểu tượng sinh động cho tình đoàn kết, thủy chung của năm làng Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Quan Cao, Công Bồi.

Sau khi các công việc quai đê lấn biển, chiêu dân lập ấp, phân chia ruộng đất đã cơ bản hoàn thành, cụ Nguyễn Công Áng được triều đình đề cử đi tìm đất chiêu mộ dân cư ở một nơi khác. Theo truyền thuyết dân gian, vào ngày đông chí, trước cái rét thấu xương, cụ đã xuống thuyền ra đi tìm vùng đất mới góp phần mở mang bờ cõi cho đất nước, cũng từ đây cụ không trở về đất cồn nữa. Nhân dân các làng Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Quan Cao, Công Bồi chờ mong và thương nhớ cụ. Để tưởng nhớ người đã bao công vất vả chiêu mộ dân cư quai đê lấn biển lập làng, nhân dân đã xây đình thờ cụ ngay nơi Cồn Trắng (nay là chợ Cồn Trắng), tôn cụ là thành hoàng làng và lấy ngày đông chí hàng năm là ngày kỷ niệm. Đình thờ cụ tổ đã qua bao lần trùng tu sửa chữa. Năm 1885, đình được xây dựng lại và năm 1984, đình được tôn tạo lại.

Ngày 13 tháng 12 năm 1993, đình thờ cụ được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa của tỉnh. Ngày đông chí hàng năm đã trở thành ngày lễ hội của nhân dân hai xã Vân Trường, Phương Công. Sân đình thờ cụ nay là chợ Cồn Trắng.

Chợ Cồn Trắng có truyền thống ngay từ khi hình thành làng mạc họp hàng ngày và một năm có một phiên hội chợ vào ngày 26 tháng 12 âm lịch, với ý nghĩa là ngày năm làng đặt bài vị thờ Đức Thủy tổ Nguyễn Công Áng. Là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa của một vùng, chợ Cồn Trắng vẫn được duy trì và ngày càng phát triển[6]. Trong cung thờ cụ, hiện còn lưu giữ nhiều đồ thờ đẹp và có giá trị, các câu đối viết bằng chữ Hán và hai sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn (sắc phong triều Lê do lâu ngày đã mục nát, chỉ còn dấu ấn, không rõ chữ). Sắc phong thời Nguyễn được dịch như sau: “tỉnh Thái Bình, phủ Kiến Xương, xã Quân Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, tam xã phụng sự thờ Nguyễn Công Áng, người công chính, linh thiêng là thần hoàng phù nước cứu dân, đã làm việc tốt, vua ban sắc phong làm chuẩn cho dân ba làng phụng thờ hương khói, nhà vua tặng phong chính thần, ơn vua sai làm việc tốt (Khải Định năm thứ hai 18/3/1917)”. Như vậy, không những thời Lê mà cả thời Nguyễn sau này, Nguyễn Công Áng luôn được đề cao và suy tôn là thành hoàng của năm làng thuộc hai xã Vân Trường và Phương Công ngày nay.

Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu công cuộc khẩn hoang ở Tiền Hải cho biết ba vị tiên công của các dòng họ theo cụ Nguyễn Công Áng đến khai hoang lập ra các làng Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Quan Cao và đắp đê Mã Giám đến nay là 17 đời, chừng hơn 500 năm. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Kim (Quân Bác) có đoạn ghi: “Lê triều kỳ bố hải khẩu, Bạch Sa Cồn Trắng, cập thập tam tính, chiêu dân lập ấp Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Đông Phạm, Tây Trần, truy phương họ Nguyễn”. Căn cứ theo gia phả thì dòng họ Nguyễn Kim đến nay là 17 đời. Theo gia phả của dòng họ Trần thì dòng họ này đã về đây tới nay là 17 đời, họ Phạm ở Phương Trạch cũng tới đây đến nay gần 500 năm.

Như vậy, các dòng họ: Nguyễn, Trần, Phạm đều sống ở đây tới nay là 16, 17 đời, tương đương 450 đến 500 năm. Đối chiếu với niên biểu thời Hậu Lê (đời vua Lê Thánh Tông, tức Hồng Đức, 1460 - 1497) thì các dòng họ: Nguyễn, Trần, Phạm đã về đây khai hoang lập ấp từ thời vua Lê Hồng Đức. Trong quá trình khai hoang thành lập làng ấp, ngoài ba dòng họ (Nguyễn, Trần, Phạm) còn có nhiều dòng họ khác cùng về đất này khai khẩn đất hoang và sinh sống. Chính vì thế, trong gia phả họ Nguyễn Kim ở Quan Bác có ghi: “Cập thập tam tính” tức là 13 dòng họ gồm: Nguyễn, Trần, Lê, Vũ, Đinh, Phạm, Đỗ, Ngô, Bùi, Lượng, Đặng, Lương, Hàn là những dòng họ cùng theo cụ tổ Nguyễn Công Áng đến chinh phục đất này, tính đến nay trên 500 năm. Các dòng họ này dù đến trước hay đến sau đều thờ phụng đức thủy tổ Nguyễn Công Áng. Điều này thể hiện sự cố kết, gắn bó keo sơn, nhất tâm tôn kính người có công đầu trong sự nghiệp khai sinh mở đất. Nghĩa cử và truyền thống tốt đẹp đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người Vân Trường, đúng như câu đối ở đình tổ: “Hải lương ninh hàm tam đại đức; Sa đối á hộ nhất phương dân”. Nghĩa là: “công lao trời biển của đức thủy tổ đã khai sáng cho muôn đời con cháu mai sau”.

Làng Quan Cao thờ tiên công là bà Chiêu Từ. Hiện nay trong đình tổ còn lưu giữ một đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9, tôn vinh bà Chiêu Từ là thành hoàng của làng Quan Cao. Như vậy, trong buổi bình minh dựng làng lập ấp, khai hoang phá thảo, Nguyễn Công Áng cùng một số người, trong đó có bà Chiêu Từ đã có mặt ở đây rất sớm, chiêu đinh, lập ấp, lập ra các làng ở Phương Công và Vân Trường[7].

Có thể nói, sự ra đời của các làng xã ở Vân Trường trong thời Lê và công cuộc đắp đê trị thủy, chiêu dân lập làng, phân chia khu vực cư trú, ruộng đất để lại cho đời sau những kinh nghiệm quý giá. Trong cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải đầu thế kỷ XIX, Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Quan Cao đã trở thành đại bản doanh, điểm xuất phát cho cuộc khẩn hoang lấn biển đại quy mô của nhà doanh điền Nguyễn Công Trứ, một lần nữa đánh dấu bước phát triển mới trong chính sách khai hoang của lịch sử dân tộc, thuận lòng người, được nhân dân hướng mộ. Và cũng từ đấy, làng Quân Trạch (xã Tây Phong) được thành lập là do nhân dân làng Quân Bác tạo dựng lên[8].

Là mảnh đất được ra đời rất sớm so với các làng xã khác của huyện Tiền Hải, có nhiều dân định cư, nhiều dòng họ từ khắp nơi về đây khai hoang, lập làng, Vân Trường là nơi hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của nhiều miền quê trên giang sơn đất Việt. Trong quá trình chinh phục thiên nhiên và xây dựng quê hương, các thế hệ người Vân Trường đã tạo nên mối đồng cảm sâu sắc. Thành Hoàng của làng - người có công đầu khai sáng mảnh đất này như Nguyễn Công Áng, bà Chiêu Từ và các vị đứng đầu trong 13 dòng họ được nhân dân thờ phụng với tất cả lòng tôn kính.

Ngược dòng thời gian cho ta thấy trên mảnh đất Vân Trường hôm nay đã xuất hiện những người con ưu tú, những anh hùng hào kiệt, danh tướng một thời: đời nhà Lê có Quận công Phạm Đình Sĩ (tức Phạm Tôn Nhậm), người làng Bác Trạch, có công lao phò tá cống hiến triều Lê và là một tướng tài đánh đông, dẹp bắc, vì vậy, cụ được nhà vua phong tước Quận công. Sau khi cụ qua đời, vua Lê Cảnh Hưng truy tặng cụ chức Thái Bảo và cho xây lăng tướng giỏi thủa đó.

Triều Nguyễn có cụ Nguyễn Quang Hoan, người làng Quan Bác[9]. Cụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ cụ đã có thân hình to lớn khác thường, trí tuệ thông minh, học giỏi, lớn lên cụ theo học võ và đã đỗ cử nhân trong một khóa thi thời Tự Đức. Nguyễn Quang Hoan từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Ngô Quang Bích trong phong trào Cần Vương. Tên tuổi của cụ mãi mãi lưu danh trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

 Cùng với thời gian hơn 500 năm đã trôi qua, các tôn giáo cũng được du nhập vào Bạch Sa Cồn Trắng, tôn giáo nào cũng khuyên con người làm việc thiện, tránh làm điều ác, tu nhân tích đức để con cháu được hưởng phúc dài lâu, để lúc qua đời linh hồn được siêu thoát[10].

Cho đến nay, ở Vân Trường, ngoài ngôi đình tổ còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thôn Quân Bác có chùa Đông, chùa được xây dựng rất sớm, ngay từ sau những ngày lập làng của cụ tổ, hiện nay vẫn còn đó cây đa cao to ngang tuổi làng. Năm 1803 (năm Gia Long thứ hai), chùa được xây dựng lại, lợp ngói khang trang. Năm 1929, chùa được trùng tu lần thứ nhất, và lần này sửa sang cơi nới thêm; đến năm 1984 và 1990 tu bổ sửa chữa lần thứ hai. Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa đông là nơi giúp đỡ che dấu cán bộ cách mạng đi về hoạt động bí mật. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã hạ một số cây to xẻ gỗ đóng quan tài chôn cất các liệt sỹ hy sinh trong chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, ủy ban hành chính xã Vân Trường sơ tán về chùa làm việc; nhiều năm chùa là nơi tổ chức các hội nghị quan trọng của huyện và xã.

Thôn Bác Trạch có nhà thờ rộng lớn hàng nghìn mét vuông. Nhà thờ được xây dựng từ những năm nước ta còn là thuộc địa của Pháp. Lúc đầu nhà thờ làm nhỏ, bằng gỗ lợp rạ. Từ năm 1936 đến 1944, nhà thờ được xây dựng lớn. Năm 1985, nhà thờ được tôn tạo và tu sửa phần mái. Những năm gần đây, nhà thờ được xây dựng to lớn hơn, khang trang bề thế hơn.

Thôn Quân Cao có nhà thờ được xây dựng khá sớm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1953, nhà thờ Quân Cao bị giặc Pháp đánh bom. Năm 1996 được UBND tỉnh cho phép xây dựng lại bao trùm khu nhà thờ cũ bằng sức đóng góp của nhân dân.

Người Vân Trường hôm nay, dù theo hoặc không theo các tôn giáo, dù đến trước hoặc đến sau đều sinh sống trong một cộng đồng có chung một cội nguồn do tổ tiên công đức khai sáng, đang tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của tiền nhân để xây dựng quê hương. Chính sự gắn kết lương giáo được khởi nguồn từ quá trình khẩn hoang lập làng đã tạo nên quan hệ gắn bó keo sơn trong suốt chiều dài lịch sử của Vân Trường.Phát huy khí phách và bản lĩnh của những người anh hùng chân đất thủa xưa từng hiên ngang “đẩy biển khơi ra xa, kéo chân trời gần lại”[11] trong nhiều thập kỷ qua các thế hệ người Bạch Sa Cồn Trắng chẳng những cần cù, bền bỉ trong lao động sáng tạo mà còn kiên cường, bất khuất trước bạo tàn đê bảo vệ quê hương xứ sở của mình.